Lễ hội Chùa_Bạch_Hào

Lễ hội chùa Hào Xá, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia[5], được mở từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây chính là ngày Thượng hoàng Trần Nhân Tông về thăm chùa.[4]

Phần lễ

Phần lễ có rước sắc phong đặt trong kiệu long đình; các dòng họ trong làng cũng đem kiệu của dòng họ mình ra rước sắc phong.

Sáng sớm ngày mồng 4, các sắc phong được chuyển vào các kiệu long đình, rước từ chùa Hào ra đình Đụn (nơi thờ thành hoàng làng) để tổ chức tế lễ.

Mồng 5 rước các sắc phong trở lại chùa, tiếp tục tế lễ.

Đội tế có 16 người là nam giới phân bổ theo các giáp. Các tuần tế gồm dâng hương hoa và lễ tạ. Lễ vật dâng cúng là cỗ chay (gồm xôi oản, ngũ quả, các sản phẩm nông nghiệp) do các giáp cử người làm (xưa làng Hào Xá có ba giáp Nam, Đông, Đoài). Lễ vật cúng Hà bá khi tổ chức thi bơi thuyền mới có thêm thủ lợn. Mâm lễ đặt trên bệ đá thờ Hà bá.

Ngày mồng 6, rước các sắc phong ra miếu thờ ba vị thành hoàng để tế lễ và tổ chức diễn xướng trước khi kết thúc ba ngày lễ hội. Người tham gia diễn xướng mặc trang phục binh sỹ thời xưa, vác 8 bát bửu, 8 xà mâu đi liền sau kiệu long đình, múa xà mâu theo các thế võ, diễn lại sự tích ba vị cư sĩ tả xung hữu đột, chỉ huy quân sĩ đánh giặc Nguyên Mông. 

Phần hội

Phần hội chủ yếu là bơi thuyền. Hội thi bơi chải có từ thời Trần, ngay sau khi ba vị Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên và Lý Đình Khuê qua đời. Hội thi tái hiện lại hình ảnh hào hùng của chiến thắng trên sông Bạch Đằng đánh bại giặc Nguyên Mông của quân dân thời Trần, tái hiện công lao của thành hoàng dạy dân luyện tập bơi thuyền. Mỗi giáp của làng có một đội bơi thuyền riêng. Thuyền của mỗi giáp có 18 hoặc 20 tay chèo; mỗi thuyền có 6 cặp bơi chèo, 1 người tát nước, 1 người lái thuyền và 1 người chỉ huy đánh phách hiệu lệnh. 

Ngoài thi bơi chải, phần hội còn có các trò chơi hấp dẫn như móc trạch, bắt vịt, nấu cơm trên thuyền…